Tại sao chúng ta gắn bó với ngôi nhà mình?

Theo nghiên cứu mới, nhà không chỉ là nơi để sống, còn là nơi trái tim hướng về và giúp ta đạt tới mức cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow.

Nghiên cứu mới khảo sát 2.000 chủ nhà, 65% cho biết họ có mối liên hệ cảm xúc không thể phá vỡ với ngôi nhà của mình, 56% cho biết nhà tượng trưng cho các kỷ niệm không thể thay thế, ví dụ khoảnh khắc hạnh phúc bên bạn đời hay chứng kiến con cái lớn lên.

Nghiên cứu do The Good Care Group (Anh) thực hiện, nhận thấy lý do chính khiến những người tham gia cảm thấy gắn bó chặt chẽ với ngôi nhà của họ là do họ đầu tư thời gian, công sức làm cho nó hoàn hảo, dù là trang trí nội thất, treo ảnh người thân yêu lên tường hay tạo không gian sân vườn thư giãn.

Ở một khía cạnh khác, 73% cho biết nhà là nơi họ cảm thấy “an toàn và bảo mật” nhất và 46% coi đó là “nơi trú ẩn”.

Ngôi nhà có tác động lớn đến sức khỏe, cũng như tinh thần của chúng ta, với 25% báo cáo nơi họ ở mang lại cho họ không gian thể hiện bản thân và 23% cho biết mang lại cho họ một nơi theo đuổi sở thích.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sở hữu nhà, nhất là trong bối cảnh giá bất động sản cao. Dù vậy, người đi thuê vẫn có cảm giác gắn bó. Một nghiên cứu năm 2022 từ Wayhome (dịch vụ trợ giúp mua nhà ở Anh) cho thấy 45% người đi thuê đã mua lại nhà của chủ.

Vậy lý do tâm lý đằng sau “mối liên kết không thể phá vỡ” này là gì?

“Sở hữu nhà – dù có thể bạn vẫn đang phải trả thế chấp – rất có ý nghĩa về mặt tâm lý, vì cung cấp cho chúng ta một nơi trú ẩn an toàn. Không giống như đi thuê, sở hữu nhà của mình là vĩnh viễn”, nhà trị liệu tâm lý Susie Masterson, ở Anh, nói

Trong học thuyết của Sigmund Freud – học thuyết giải thích sự hình thành và phân tích ảnh hưởng của động cơ tới hành vi của con người – ngôi nhà là ẩn dụ cho bản thân.

Freud cho rằng con người trong vô thức luôn mong ước một khát khao và để tránh những mối đe dọa từ bên ngoài, con người đã đưa mong muốn đó vào giấc mơ. Rất nhiều giấc mơ liên quan đến cửa trước, leo lên cầu thang vô tận, bị nhốt hoặc bị mắc kẹt trong phòng.

“Tầm quan trọng của việc sở hữu ngôi nhà có thể được so sánh với việc sở hữu chính mình và cảm thấy chắc chắn về bản sắc của mình”, Susie Masterson nói.

Nhà trị liệu tâm lý Melissa Amos ở Anh cũng lưu ý việc có nhà riêng “đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người”. Tháp nhu cầu của Maslow đặt nhu cầu sinh lý làm cơ sở và nếu những nhu cầu này không được đáp ứng, các quyết định của chúng ta chủ yếu sẽ được tạo ra từ nỗi sợ hãi hoặc sự sinh tồn.

Khi leo lên nấc thang, chúng ta có thể bắt đầu nhìn vào những nhu cầu cao hơn như tình yêu, tình bạn, lòng tự trọng và thậm chí là khẳng định bản thân – mức độ phát triển tâm lý cao nhất, trong đó tiềm năng của một người được phát huy đầy đủ sau khi đã đáp ứng được các nhu cầu về thể chất và bản ngã.

“Sở hữu nhà riêng có nghĩa là chúng ta có thể bao quanh mình bằng những thứ mang lại niềm vui cho ta. Từ màu sắc của các bức tường, cảm giác của tấm thảm cho đến sắp xếp đồ đạc, ngôi nhà trở thành nơi khẳng định con người của chúng ta”, Melissa Amos nói.

Bảo Nhiên (Theo Metro)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
090 996 7557